Nhiều thách thức trong bảo vệ tài nguyên nước

14/02/2022 08:27 View Count: 818

Toàn tỉnh có 3 sông liên tỉnh, 8 sông nội tỉnh, gần 15.000 ao, hồ, đầm lớn nhỏ. Hàng năm, hệ thống sông ngòi, ao, hồ, đầm đều được cải tạo, nạo vét, bảo đảm chất lượng nguồn nước, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, tưới tiêu trong tỉnh.

Tài nguyên nước mặt có khoảng 34 tỷ 900 triệu m3/năm, tổng lượng nước mặt được khai thác phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt khoảng hơn 500 triệu m3/năm, tổng trữ lượng toàn tỉnh khoảng 255.248.150 m3/năm. Tổng lưu lượng khai thác hiện tại khoảng gần 100.000.000 m3/năm. Tuy nhiên, việc quản lý, bảo vệ tài nguyên nước đang phải chịu nhiều sức ép lớn khi nhu cầu về nước phục vụ phát triển kinh tế-xã hội gia tăng, trong khi nguồn nước đang tiếp tục suy giảm về số lượng và chất lượng do biến đổi khí hậu, tốc độ đô thị hóa, phát triển công nghiệp khiến nhiều vùng sông ngòi, đầm, ao, hồ bị san lấp, nguồn nước bị ô nhiễm… đặt ra nhiều thách thức về quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước phục vụ đời sống xã hội.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của tài nguyên nước phục vụ thiết yếu cho cuộc sống của con người và góp phần đắc lực trong thực hiện mục tiêu phát triển hài hòa, bền vững nên nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến bảo vệ, sử dụng hợp lý nguồn nước được ban hành và triển khai hiệu quả như: hoàn thiện chính sách pháp luật, chiến lược về tài nguyên nước; chủ động thích ứng với diễn biến thời tiết cực đoan; đẩy mạnh công tác quan trắc, giám sát và bảo vệ tài nguyên nước; tăng cường điều tra, đánh giá và quản lý tài nguyên nước; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước… nhằm bảo đảm khai thác sử dụng bền vững tài nguyên nước.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, hướng tới nâng chỉ số an ninh nguồn nước lên nhóm các quốc gia bảo đảm an ninh nguồn nước hiệu quả trong khu vực vào năm 2045. Mục tiêu của Đề án, đến năm 2030 giảm sự phụ thuộc, tối ưu hóa lợi ích do nguồn nước mang lại từ các nguồn nước liên quốc gia; chủ động điều tiết nước, phòng ngừa, ứng phó với các sự cố ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; khắc phục hiệu quả, bền vững tình trạng hạn hán, thiếu nước vào mùa khô; nâng cao khả năng tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn cho người dân và các ngành sử dụng nước; kiểm soát cơ bản 90% các hoạt động khai thác, sử dụng nước, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, an toàn, công bằng, hợp lý, gắn với bảo vệ và phát triển tài nguyên nước, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thường xuyên khơi thông hệ thống sông, đầm, ao, hồ nhằm lưu thông nguồn nước, giảm thiểu ô nhiễm.


Đề án hướng tới 100% các cơ sở khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước trên phạm vi cả nước được kiểm soát. Bám sát mục tiêu của Đề án, ngành Tài nguyên, Môi trường tỉnh thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, dự án bãi tập kết cát, sỏi lòng sông và vật liệu xây dựng; phối hợp kiểm soát chặt chẽ các hoạt động gây ô nhiễm, xả nước thải vào nguồn nước; tăng cường bảo vệ các hành lang lưu vực sông. Quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước cơ bản đi vào nền nếp. Tuy nhiên, trên thực tế, sự phối hợp giữa các ngành chức năng, các địa phương trong tuyên truyền pháp luật về tài nguyên nước đến các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan nước còn hạn chế. Lực lượng quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên nước mỏng (cấp huyện, xã chỉ có 1 cán bộ kiêm nhiệm lĩnh vực tài nguyên nước) nên việc quản lý, kiểm tra, phát hiện, xử lý các vấn đề liên quan đến khai thác, sử dụng nguồn nước trái phép chưa kịp thời, hiệu quả, vẫn còn để xảy ra tình trạng khai thác tài nguyên nước trái phép, xả thải vào nguồn nước gây ô nhiễm nghiêm trọng ở một số nơi, nhất là trong khu vực làng nghề. Một số tổ chức khai thác, sử dụng tài nguyên nước chưa tự giác tuân thủ thực hiện các quy định của pháp luật. Các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn biến phức tạp, khiến nguồn nước ngày càng bị cạn kiệt.
Để khắc phục hiệu quả những tồn tại này, bảo đảm ổn định nguồn nước phục vụ cho mục tiêu phát triển, toàn tỉnh hoàn thành xây dựng các dự án, hạng mục về bảo vệ tài nguyên nước: Quan trắc động thái nước dưới đất; cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; điều tra, đánh giá xác định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; xây dựng mô hình xử lý làm sạch ao hồ tại một số ao hồ trung tâm trên địa bàn tỉnh; điều chỉnh quy hoạch khu vực khai thác, tập kết cát, sỏi lòng sông và vật liệu xây dựng, bảo đảm an ninh nguồn nước. Giám sát hiệu quả việc triển khai, thực hiện quan trắc động thái nước dưới đất; đánh giá chất lượng nước mưa trên địa bàn tỉnh; điều tra, đánh giá phân loại mức độ ô nhiễm suy thoái cạn kiệt nguồn nước mặt và hiện trạng xả nước thải vào nguồn nước; lập bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh; đề xuất nhân rộng dự án xây dựng mô hình xử lý làm sạch ao, hồ tại một số ao, hồ trung tâm; hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện trám lấp giếng không khai thác.
Triển khai lắp đặt, quản lý, vận hành thiết bị giám sát, khai thác sử dụng tài nguyên nước đối với các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép. Thực hiện nghiêm trình tự, thủ tục thẩm định hồ sơ xin cấp phép khai thác tài nguyên nước. Nêu cao vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi khai thác tài nguyên nước trái phép. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tài nguyên nước, khoáng sản và ứng phó biến đổi khí hậu tới tất cả các tổ chức, doanh nghiệp, mọi tầng lớp nhân dân. Xây dựng kế hoạch kiểm tra thường xuyên hàng năm đối với các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xử lý kịp thời, kiên quyết đối với các hành vi vi phạm về khai thác trái phép tài nguyên nước, bảo đảm ổn định nguồn nước trong sinh hoạt, sản xuất, tưới tiêu trước mọi thách thức.

Theo baobacninh.com.vn