Thực hiện cam kết giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu: Việt Nam giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí mê-tan vào năm 2030
Ngày 05/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030 nhằm thực hiện Cam kết giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu, là cơ hội để đổi mới công nghệ và nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân, quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn.
Bối cảnh
Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra ngày càng phức tạp và khó lường, nồng độ khí nhà kính trong khí quyển hiện đã tăng cao hơn bất cứ thời kỳ nào trong hai triệu năm qua và sẽ tiếp tục tăng. Từ năm 1970 đến năm 2019, nồng độ khí các-bon-đi-ô-xít (CO2) trong khí quyển đã tăng 47%, khí mê-tan (CH4) tăng 156% và khí ni-tơ-đi-ô-xít (N2O) tăng 23%. Khí mê-tan là khí nhà kính tồn tại trong khí quyển ngắn nhưng lại có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu gấp 28 lần so với CO2. Theo nghiên cứu của Ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), mức tăng nồng độ khí mê-tan trong khí quyển là tác nhân thứ hai sau CO2 và trong mức tăng nhiệt độ toàn cầu 1,1°C thời gian qua có 0,3°C đóng góp từ khí mê-tan. Tổng lượng phát thải khí mê-tan toàn cầu năm 2019 vào khoảng 9,8 tỷ tấn CO2 tương đương (CO2tđ) trên tổng phát thải khí nhà kính toàn cầu khoảng 59,1 tỷ tấn CO2tđ. Mức phát thải khí mê-tan toàn cầu giai đoạn 2010-2019 đã tăng khoảng 1,2% mỗi năm và chiếm khoảng 17% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.
"Cam kết giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu" là sáng kiến do Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ khởi xướng, đưa ra Hội nghị COP26 nhằm góp phần đạt được mục tiêu của Thoả thuận Paris về BĐKH là giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2ºC, hướng tới hạn chế ở ngưỡng 1,5ºC vào cuối thế kỷ 21 thông qua kêu gọi các quốc gia thực hiện các hoạt động giảm phát thải khí mê-tan mạnh mẽ hơn. Tại Hội nghị COP26 đã có 103 quốc gia, đóng góp 40% tổng lượng phát thải mê-tan toàn cầu, đã tham gia cam kết giảm 30% phát thải mê-tan toàn cầu vào năm 2030 so với mức phát thải khí mê-tan năm 2020; đến nay có 119 quốc gia đã tham gia Cam kết.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thượng đỉnh COP26
Ở nước ta, khí mê-tan phát thải từ các hoạt động canh tác lúa, chăn nuôi, đốt sinh khối (rơm, rạ), bãi chôn lấp chất thải rắn, xử lý chất thải rắn bằng phương pháp sinh học, đốt chất thải, xử lý và xả thải nước thải, tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, phát tán từ nhiên liệu (than, dầu và khí). Theo số liệu kiểm kê, tổng lượng khí mê-tan phát thải năm 2020 tại Việt Nam là 111,3 triệu tấn CO2tđ. Việt Nam đã có nhiều nỗ lực ứng phó với BĐKH, song vẫn phát triển kinh tế để bảo đảm cuộc sống tốt hơn cho mọi người dân. Tham gia Cam kết giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu vừa thể hiện được vai trò và trách nhiệm của quốc gia tham gia vào nỗ lực đạt mục tiêu Thỏa thuận Paris, qua đó ngăn ngừa diễn biến cực đoan của BĐKH toàn cầu, góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí, bảo vệ sức khoẻ người dân; vừa phù hợp với các chủ trương, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước trong việc chuyển dịch nền kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp; đồng thời góp phần thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 “Xây dựng chính sách, lộ trình thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, khí mê-tan trong nông nghiệp phù hợp với cam kết quốc tế”.
Kế hoạch hành động được ban hành với 3 quan điểm chỉ đạo
Thứ nhất, giảm phát thải khí mê-tan nhằm thực hiện Cam kết giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước; là cơ hội để đổi mới công nghệ và nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân; quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và hiệu quả sử dụng năng lượng; bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn.
Thứ hai, giảm phát thải khí mê-tan phải dựa trên phân tích chi phí - lợi ích, được tiến hành thường xuyên theo lộ trình, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức và cá nhân, thúc đẩy đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Thứ ba, giảm phát thải khí mê-tan là trách nhiệm của chủ các nguồn phát thải và cơ quan quản lý nhà nước với sự tham gia, giám sát của nhân dân, chủ động và tích cực hợp tác quốc tế.
Mục tiêu giảm phát thải khí mê-tan ở nước ta đến năm 2030
Việt Nam tham gia “Cam kết giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu” với mục tiêu đóng góp giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí mê-tan vào năm 2030 so với mức năm 2020 trong các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, quản lý chất thải rắn, xử lý nước thải, khai thác dầu khí, khai thác than và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Kế hoạch đề ra các mục tiêu cụ thể:
- Đến năm 2025, bảo đảm tổng lượng phát thải khí mê-tan không vượt quá 96,4 triệu tấn CO2tđ, giảm 13,34% so với mức phát thải năm 2020. Trong đó, phát thải khí mê-tan trong trồng trọt không vượt quá 42,2 triệu tấn CO2tđ, chăn nuôi không vượt quá 16,8 triệu tấn CO2tđ, quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải không vượt quá 21,9 triệu tấn CO2tđ, khai thác dầu khí không vượt quá 10,6 triệu tấn CO2tđ, khai thác than không vượt quá 3,5 triệu tấn CO2tđ, tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch không vượt quá 1,3 triệu tấn CO2tđ.
- Đến năm 2030, bảo đảm tổng lượng phát thải khí mê-tan không vượt quá 77,9 triệu tấn CO2tđ, giảm ít nhất 30% so với mức phát thải năm 2020. Trong đó, phát thải khí mê-tan trong trồng trọt không vượt quá 30,7 triệu tấn CO2tđ, chăn nuôi không vượt quá 15,2 triệu tấn CO2tđ, quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải không vượt quá 17,5 triệu tấn CO2tđ, khai thác dầu khí không vượt quá 8,1 triệu tấn CO2tđ, khai thác than không vượt quá 2,0 triệu tấn CO2tđ, tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch không vượt quá 0,8 triệu tấn CO2tđ.
Kế hoạch bao gồm 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và cụ thể hóa bằng 26 nhiệm vụ ưu tiên trong giai đoạn từ nay đến năm 2030
- Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách: Xây dựng và thực hiện kế hoạch chi tiết giảm phát thải khí mê-tan trong trồng trọt, chăn nuôi, quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải, khai thác và chế biến dầu khí, khai thác than; lồng ghép giảm phát thải khí mê-tan vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan. Xây dựng, thực hiện quy định về kiểm kê khí mê-tan bậc cao nhất theo hướng dẫn của IPCC; các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật; cơ chế, chính sách, công cụ tài chính khuyến khích ứng dụng công nghệ sạch, công nghệ thu giữ, sử dụng khí mê-tan và khuyến khích người dân, doanh nghiệp, cộng đồng, tổ chức trong và ngoài nước tham gia giảm phát thải khí mê-tan. Xây dựng quy định pháp luật, chính sách quản lý tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon thu được từ giảm phát thải khí mê-tan, khuyến khích các chủ nguồn phát thải khí mê-tan tham gia thị trường các-bon; khuyến khích chuyển đổi năng lượng từ sử dụng nhiên liệu hoá thạch sang sử dụng năng lượng sạch.
- Thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí mê-tan trong trồng trọt, chăn nuôi bao gồm: Đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng đáp ứng kỹ thuật tưới tiên tiến, hiện đại, đồng bộ, khép kín cho các khu vực sản xuất lúa tập trung; chủ động rút nước giữa vụ; áp dụng các biện pháp tưới và canh tác lúa tiên tiến, tiết kiệm nước phù hợp với điều kiện từng vùng.Mở rộng mô hình luân canh lúa - tôm, chuyển đổi từ lúa nước sang các cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao hơn; điều chỉnh cơ cấu cây trồng, mùa vụ, quy trình, kỹ thuật trồng trọt. Chấm dứt đốt phế, phụ phẩm nông nghiệp thông qua cải tiến, áp dụng trên diện rộng quy trình, công nghệ thu gom tập trung, phân loại, xử lý, tái sử dụng, tuần hoàn. Thay đổi, cải thiện và sử dụng các chế phẩm phù hợp trong khẩu phần ăn nhằm tăng năng suất, giá trị kinh tế trong chăn nuôi gia súc và giảm phát thải khí mê-tan; lai, cải tạo giống gia súc trong nước bằng những giống ngoại có năng suất chất lượng cao và phù hợp nhằm tăng năng suất, hiệu quả chăn nuôi; khai thác hiệu quả các mô hình khí sinh học và ứng dụng công nghệ trong sản xuất phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi; thu hồi và sử dụng khí mê-tan trong xử lý chất thải chăn nuôi.
Mô hình canh tác lúa - tôm ở đồng bằng sông Cửu Long
- Thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí mê-tan trong quản lý chất thải và xử lý nước thải bao gồm: Hoàn thiện và áp dụng đồng bộ các quy trình, quy định, hướng dẫn, mô hình thu gom, vận chuyển, phân loại, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn; lồng ghép quy hoạch quản lý chất thải cấp vùng và cấp địa phương vào quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, vùng, tỉnh. Xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu phân loại, thu gom, lưu giữ, tái sử dụng, tái chế, vận chuyển, xử lý chất thải rắn theo quy định và phù hợp với đặc điểm các khu dân cư tập trung, đô thị, nông thôn và điều kiện của địa phương. Áp dụng rộng rãi công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, hiện đại; công nghệ xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng, sản xuất phân compost và viên nén nhiên liệu, chôn lấp thu hồi khí mê-tan, đốt rác phát điện; công nghệ thu hồi khí mê-tan phát sinh trong xử lý nước thải công nghiệp; công nghệ sinh học loại bỏ khí mê-tan trong xử lý nước thải sinh hoạt; xử lý bùn thải tại các nhà máy xử lý nước thải tập trung bằng phương pháp yếm khí kết hợp thu hồi khí mê-tan. Hạn chế phát sinh chất thải ra môi trường nhằm giảm phát thải mê-tan thông qua thực hiện phát triển năng lượng sinh khối, năng lượng từ đốt chất thải, sản xuất phân bón hữu cơ, tiêu thụ sản phẩm tái chế.
Bãi chôn lập chất thải rắn phát sinh khí mê-tan và ảnh hưởng sức khỏe người dân
- Thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí mê-tan trong khai thác, chế biến dầu khí, khai thác than và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch bao gồm: Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các hoạt động thu gom khí đồng hành từ các mỏ dầu trong quá trình khai thác. Lắp đặt các thiết bị phát hiện sự cố và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, khắc phục rò rỉ trong thăm dò, khai thác dầu khí; lắp đặt thiết bị thu hồi khí đồng hành, khí mê-tan trong xử lý khí và lọc hóa dầu; nâng cấp và thay thế thiết bị cũ, lạc hậu trong khai thác, cung cấp, chế biến dầu khí. Nghiên cứu, triển khai khoan tháo khí, thu hồi khí mê-tan trước và trong khai thác than hầm lò tại các vùng mỏ xây dựng mới, vùng mỏ cải tạo mở rộng, áp dụng thí điểm tại các vùng than thuộc tỉnh Quảng Ninh và nhân rộng trên phạm vi toàn quốc. Lắp đặt và vận hành hệ thống tự động giám sát, quản lý điện năng, thiết bị tiết kiệm điện trong dây chuyền công nghệ khai thác, chế biến than. Tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong các quá trình công nghiệp, dịch vụ, giao thông vận tải và các hoạt động khác; cải tạo, nâng cấp, thay thế thiết bị, công nghệ, phương tiện lạc hậu sử dụng nhiều năng lượng.
- Về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ: Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất và hiệu quả trong trồng trọt, chăn nuôi, quản lý chất thải rắn, xử lý nước thải, khai thác than, khai thác dầu khí và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trong các ngành công nghiệp. Tổ chức nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ kiểm kê, giám sát, đánh giá dự báo phát thải; thu hồi, sử dụng hiệu quả khí mê-tan theo từng lĩnh vực. Chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, chú trọng lan tỏa từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Nghiên cứu, xây dựng các hệ số phát thải khí mê-tan đặc trưng quốc gia áp dụng cho kiểm kê phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực, đồng thời ứng dụng chuyển đổi số trong theo dõi và giám sát.
- Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao năng lực, nhận thức: Triển khai truyền thông, nâng cao nhận thức doanh nghiệp, cộng đồng; thay đổi hành vi tiêu dùng, sản xuất xanh; nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp, cộng đồng. Thực hiện dán nhãn, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp, phân bón hữu cơ, sản phẩm tái chế, tái sử dụng được sản xuất theo quy trình, công nghệ ít phát thải khí mê-tan. Đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ chuyên môn, cán bộ quản lý các cấp, tập huấn cho nông dân thông qua các chương trình khuyến nông về hiệu quả, lợi ích của các mô hình trồng trọt, chăn nuôi ít phát thải khí mê-tan, phương pháp xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp để giảm phát thải khí mê-tan. Thiết lập mạng lưới trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ giảm phát thải khí mê-tan giữa các địa phương, lĩnh vực.
- Tăng cường hợp tác song phương, đa phương và huy động nguồn lực: Thu hút nguồn lực quốc tế và tăng cường hợp tác nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm với các quốc gia, tổ chức quốc tế về xây dựng, ban hành các quy định, hướng dẫn kỹ thuật và thực hiện giảm phát thải khí mê-tan. Thực hiện các chương trình, dự án hợp tác quốc tế, hợp tác giữa nhà nước và doanh nghiệp, doanh nghiệp với doanh nghiệp về đầu tư hạ tầng, hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực giảm phát thải khí mê-tan trong trồng trọt, chăn nuôi, quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải, khai thác than, khai thác dầu khí và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Ủng hộ các sáng kiến quốc tế về giảm phát thải khí mê-tan.
- Giám sát, đánh giá: Thực hiện đánh giá mức phát thải khí mê-tan hằng năm trong trồng trọt, chăn nuôi, quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải, khai thác than, khai thác và chế biến dầu khí, tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch; tổng hợp, đánh giá kết quả giảm phát thải khí mê-tan trên phạm vi toàn quốc. Tuân thủ các quy định về đo đạc, báo cáo, thẩm định và thanh tra, kiểm tra việc thực hiện giảm phát thải khí mê-tan. Huy động sự tham gia của cộng đồng trong giám sát phát thải và thực hiện giảm phát thải khí mê-tan.
Thủ trướng Chính phủ đã phân công trách nhiệm cho các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tập đoàn, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong việc triển khai, thực hiện để đạt được mục tiêu của Kế hoạch. Danh mục các nhiệm vụ ưu tiên trong giai đoạn đến năm 2030 được ban hành kèm theo Quyết định số 942/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Chi tiết nội dung Quyết định xem tại đây.