Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Luật tài nguyên nước (sửa đổi)
Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Lê Công Thành tại buổi làm việc trực tuyến với Cục Quản lý tài nguyên nước và các đơn vị liên quan về công tác sửa đổi Luật Tài nguyên nước năm 2012 vào chiều ngày 16/6, tại Hà Nội.
Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Cục đã tập trung xây dựng dự thảo Luật, tổ chức các cuộc họp với các chuyên gia quốc tế về các nội dung quy định trong Luật. “Cục đã xây dựng sơ bộ khung chính sách sửa đổi Luật tài nguyên nước. Trên cơ sở ý kiến thống nhất của các đơn vị và ý kiến của lãnh đạo Bộ, Cục sẽ hoàn thiện và coi đây là định hướng, kim chỉ nam trong suốt quá trình xây dựng Luật tài nguyên nước sửa đổi” - Cục trưởng Châu Trần Vĩnh cho biết.
Thứ trưởng Lê Công Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến
Theo đó, Cục đã nghiên cứu và bổ sung 1 số nội dung, quy định của Luật và tập trung vào 4 chính sách lớn, gồm: Bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hoá ngành nước; tài chính về tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra và các chính sách khác.
Theo dự thảo, chính sách đảm bảo an ninh nguồn nước quy định các nội dung chính sau: Quy định nguyên tắc, các hoạt động để bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia; phân công, phân cấp trách nhiệm bảo đảm an ninh tài nguyên nước của các Bộ, ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân; quy định cụ thể các hoạt động bảo đảm an ninh tài nguyên nước đối với các trụ cột: an ninh nước sinh hoạt, an ninh nước cho các hoạt động sản xuất; quy định cụ thể các hoạt động và phân công trách nhiệm bảo đảm an ninh nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước, ô nhiễm nguồn nước, biến đổi khí hậu và nước biển dâng; quy định việc giám sát an ninh tài nguyên nước.
Với chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực tài nguyên nước được quy định 4 nội dung về nguyên tắc thực hiện xã hội hoá trong lĩnh vực nước; các hoạt động ưu tiên thực hiện xã hội hoá; cơ chế ưu tiên, điều kiện ưu tiên; nguồn vốn xã hội hoá; trách nhiệm quản lý hoạt động xã hội hoá.
Toàn cảnh cuộc họp tại điểm cầu Cục Quản lý tài nguyên nước
Về nội dung chính sách tài nguyên nước, dự thảo Luật quy định các nguồn thu ngân sách nhà nước từ hoạt động khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước (đã quy định thuế, phí, tiền cấp quyền). Đồng thời, bổ sung khoản thu đối với tổ chức cá nhân được hưởng lợi từ việc cải tạo sông, hồ; khoản thu bảo vệ nước dưới đất đối với các tổ chức, cá nhân làm mất diện tích thấm bề mặt hoặc không lựa chọn giải pháp bổ sung nhân tạo nước dưới đất theo quy định; khoản thu đối với tổ chức, cá nhân xây dựng KCN, khu đô thị không có biện pháp phòng chống ngập lụt cục bộ; chi cho các hoạt động của nguồn nước; bổ sung đối tượng phải nộp tiền cấp quyền khai thác sử dụng nước; Nguyên tắc phân bổ nguồn thu, quản lý, sử dụng tiền cấp quyền khai thác sử dụng nước, các loại giá trị sử dụng của tài nguyên nước.
Toàn cảnh cuộc họp trực tuyến
Đối với nội dung chính sách bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra và đề xuất sửa đổi, bổ sung một số chính sách khác: Dự thảo Luật sẽ bổ sung nội dung trong Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước; trách nhiệm cụ thể của các bộ ngành, UBND cấp tỉnh trong từng hoạt động điều tra cơ bản; trình tự thủ tục thẩm định kết quả các dự án điều tra cơ bản. Cùng với đó, bổ sung trách nhiệm về tổ chức lập quy hoạch tài nguyên nước quốc gia; sửa đổi, bổ sung nội dung của quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh; bổ sung nội dung trong phương án khai thác, sử dụng và phòng chống tác hại do nước gây ra trong quy hoạch tỉnh; phương án xử lý các công trình khai thác, sử dụng nước kém hiệu quả, gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; quản lý các hoạt động trong vùng bổ cập nước dưới đất (gắn liền với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất); đảm bảo lưu thông dòng chảy nước dưới đất; bổ sung quy định xử lý chồng chéo giữa pháp luật về TNN và Thuỷ lợi trong phạm vi hành lang bảo vệ; tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong hành lang bảo vệ nguồn nước; bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt, nước dưới đất;….
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành ghi nhận và đánh giá cao phương pháp làm việc khoa học, tiến bộ trong quá trình xây dựng bảng khung chính sách Luật tài nguyên nước (sửa đổi).
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật tài nguyên nước (sửa đổi), Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị Cục Quản lý tài nguyên nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tập trung nguồn lực, trí tuệ, hoàn thiện bảng khung chính sách Luật tài nguyên nước (sửa đổi). Đồng thời, Cục tập trung rà soát, bổ sung các chính sách mới để điều chỉnh một số nội dung phát sinh trong thực tiễn nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; đảm bảo quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp; xây dựng hệ thống chính sách pháp luật về tài nguyên nước đồng bộ, tổng hợp, thống nhất với các luật có liên quan.