Thảo luận tổ về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
(BNP) – Chiều 5/6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Thảo luận tại tổ 13, dưới sự điều hành của đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh, ĐBQH các tỉnh: Bắc Ninh, Lạng Sơn, Đăk Lăk và Hậu Giang nhất trí với sự cần thiết ban hành cũng như những nội dung sửa đổi, bổ sung của các dự án luật và tham gia đóng góp nhiều ý kiến liên quan
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh), qua 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước. Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo tồn tài nguyên nước, hướng tới đảm bảo an ninh nguồn nước, một trong những mục tiêu trọng tâm của Chính phủ trong giai đoạn 2022 - 2023 là sửa đổi Luật Tài nguyên nước 2012 cho phù hợp với tình hình mới. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thi hành Luật Tài nguyên nước 2012 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Một số quy định của Luật còn có sự giao thoa, chồng chéo với các luật khác, dẫn đến khó thực hiện hoặc lãng phí nguồn lực cần phải sửa đổi, bổ sung.
Đại biểu Nguyễn Thị Hà tham gia ý kiến về quy định quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước, tại khoản 4 điều 43 “Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước hợp pháp được chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước”. Việc ghi nhận quyền tài sản đối với quyền khai thác sử dụng tài nguyên nước của các cá nhân, tổ chức trong Dự thảo hiện còn yếu. Quy định này hạn chế rất nhiều quyền tài sản của tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên nước hợp pháp, giảm khả năng phân bổ và tận dụng các nguồn lực để sản xuất kinh doanh. Đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh quy định theo hướng: Quyền khai thác sử dụng tài nguyên nước của các nhân, tổ chức là quyền tài sản theo pháp luật dân sự, theo đó bao gồm đầy đủ các quyền như chiếm hữu, sử dụng, định đoạt, chuyển nhượng, sử dụng làm tài sản bảo đảm và các quyền tài sản khác. Mọi tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên nước hợp pháp đều được ghi nhận quyền, bất kể thuộc diện được cấp phép hay diện được miễn đăng ký, cấp phép.
Đại biểu cũng tham gia ý kiến đối với việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước; vấn đề quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch lưu vực sông.
Đại biểu Nguyễn Thị Hà.
Về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) tham gia ý kiến về phạm vi, đối tượng điều chỉnh, các quy định về nội dung hoạt động ngân hàng; giới hạn sở hữu vốn tại các tổ chức tín dụng; quy định các thành viên hội đồng quản trị của tổ chức tín dụng không được đồng thời là người quản lý của tổ chức tín dụng khác, người quản lý, người điều hành của doanh nghiệp khác; vấn đề xử lý nợ xấu, xử lý tổ chức tín dụng yếu kém; vấn đề số hóa, cung ứng dịch vụ, sản phẩm ngân hàng số...
Trong đó đề nghị áp dụng các quy định hiện hành của Luật Các tổ chức tín dụng 2010 về giới hạn sở hữu vốn tại các tổ chức tín dụng đối với cá nhân là 5%, tổ chức là 15% và tổng nhóm liên quan là 20%. Đồng thời áp dụng các quy định hiện hành của Luật Các tổ chức tín dụng 2010, cụ thể chỉ Chủ tịch HĐQT không đồng thời là người quản lý của doanh nghiệp khác, bên cạnh đó nên bổ sung vào tiêu chuẩn thành viên HĐQT có kiến thức kinh nghiệm, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực tư pháp, pháp luật, quản trị rủi ro để có thể mở rộng khả năng thu hút được người tài tham gia vào hoạt động quản trị tổ chức tín dụng và phù hợp với pháp luật chung và thực tiễn quốc tế...