Ngày quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn (16/9): Chung tay bảo vệ sự sống trên trái đất
Ngày quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn (16/9) năm nay có chủ đề “Chung tay bảo vệ sự sống trên trái đất”, nhằm nêu bật tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác trong nhiều năm qua đã đóng góp đáng kể vào sự thành công của Nghị định thư Montreal trong việc bảo vệ tầng ô-dôn, bảo vệ sự sống trên trái đất. Cùng với cộng đồng quốc tế, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động kiểm soát và loại bỏ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn (CFC, Halon, CTC, HCFC, Methyl Bromide), chất gây hiệu ứng nhà kính (HFC).
Thúc đẩy bảo vệ môi trường
Cách đây 35 năm, khi thế giới phát hiện ra rằng các chất làm suy giảm tầng ô-dôn được sử dụng trong các bình xịt aerosols và các thiết bị làm lạnh đã tạo ra một lỗ hổng trên bầu trời, các quốc gia trên thế giới đã nỗ lực hợp tác hiệu quả để loại bỏ dần các chất làm suy giảm tầng ô-dôn. Giờ đây, sự suy giảm tầng ô-dôn đã được ngăn chặn và đang dần phục hồi, tiếp tục bảo vệ nhân loại khỏi bức xạ cực tím của mặt trời. Hàng triệu người đã được bảo vệ khỏi ung thư da và đục thủy tinh thể, giúp duy trì các hệ sinh thái quan trọng, bảo vệ sự sống trên trái đất và góp phần làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu. Nếu các chất làm suy giảm tầng ô-dôn không bị cấm, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng thêm 2,5°C vào cuối thế kỷ này và đây sẽ là một thảm họa.
Bên cạnh những nỗ lực loại trừ thành công các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chúng ta đang phải đối mặt với thách thức mới gắn liền với xu hướng gia tăng sử dụng các chất có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cao - các chất HFC. Đây là những chất được sử dụng để thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ô-dôn trong các lĩnh vực liên quan như sản xuất điều hòa không khí, xốp, thiết bị lạnh, lĩnh vực sửa chữa bảo dưỡng thiết bị lạnh, mỹ phẩm, dập cháy.... Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal ra đời năm 2016 thể hiện cam kết của các quốc gia trong việc cắt giảm dần các chất hydrofluorocarbon (HFC) - một động thái có thể tránh sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu (0,4°C) vào cuối thế kỷ này. Nghị định thư Montreal và Bản sửa đổi, bổ sung Kigali đang tích cực hỗ trợ thế giới áp dụng công nghệ làm mát thân thiện với khí hậu và tiết kiệm năng lượng.
Việt Nam là thành viên của Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn từ năm 1994. Cụ thể, loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất CFC, Halon, CTC; hạn chế nhập khẩu các chất Methyl bromide (chỉ sử dụng cho mục đích khử trùng). Theo lộ trình, trong giai đoạn 2020-2025, Việt Nam sẽ loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất hydrochlorofluorocarbons (HCFC), lượng hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC áp dụng cho Việt Nam chỉ còn 2.600 tấn, dự kiến sẽ giảm dần trong giai đoạn sau đó cho đến khi chấm dứt nhập khẩu hoàn toàn các chất HCFC vào năm 2040. Đối với các chất HFC, Việt Nam sẽ không gia tăng lượng tiêu thụ trong giai đoạn 2024-2029 và giảm dần, tin tới loại trừ 80% lượng tiêu thụ các chất này vào năm 2045.
Thông điệp Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn 2022
Trước đây, đã có một số Thông tư và Văn bản chỉ đạo, điều hành cấp Bộ về việc quản lý các chất được kiểm soát (Methyl bromide, HCFC), quy định quản lý xuất nhập khẩu các chất được kiểm soát được ban hành và triển khai thực hiện. Mặc dù vậy, công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ tầng ô-dôn còn thiếu đồng bộ, thiếu các văn bản quy phạm pháp luật có tính hệ thống và các biện pháp quản lý hành chính, kỹ thuật cần thiết để quản lý, loại trừ và giám sát hiệu quả. Hệ thống thông tin dữ liệu về các chất được kiểm soát và lĩnh vực sử dụng còn phân tán, gây khó khăn cho công tác quản lý và trong việc thực hiện nghĩa vụ báo cáo trong nước và quốc tế. Nhận thức của xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng về bảo vệ tầng ô-dôn còn hạn chế.
Trong 3 năm qua, Việt Nam đã đạt được một số kết quả nổi bật về chính sách, pháp luật và thể chế, cụ thể là Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, bổ sung năm 2020 đã quy định 1 chương về ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, Điều 92 quy định về bảo vệ tầng ô-dôn và giao Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành danh mục và điều kiện sử dụng các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal. Việc ban hành các quy định về bảo vệ tầng ô-dôn và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành Luật góp phần nội luật hóa các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia là thành viên, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về biến đổi khí hậu, bảo vệ tầng ô-dôn, bảo đảm Luật và các văn bản quy định chi tiết song hành đi vào cuộc sống.
Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ tầng ô-dôn, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, viện, trường, hiệp hội có liên quan, và tiếp tục hỗ trợ chuyển đổi công nghệ cho các doanh nghiệp sản xuất, xây dựng năng lực về quản lý cũng như chuyên môn kỹ thuật cho các bên liên quan, để thực hiện các nội dung ưu tiên này.
Đóng góp cho mục tiêu phát thải ròng bằng “0”
Với cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050 đã đặt mục tiêu Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng "0". Việt Nam đã đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể thông qua đẩy mạnh phát triển các-bon thấp và chuyển dịch năng lượng từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang nguồn năng lượng sạch, tái tạo là cơ hội để thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững, kinh tế tuần hoàn, ít phát thải.
Trên tinh thần đó, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 đã đề ra nhiệm vụ về giảm dần sử dụng các môi chất lạnh trong chuỗi lạnh, hệ thống lạnh và điều hòa không khí tòa nhà. Bộ TN&MT cũng đang thực hiện cập nhật Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) nhằm hướng tới cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050, trong đó tập trung một vào số lĩnh vực mới liên quan đến làm mát như chuỗi lạnh và phát thải trực tiếp từ môi chất lạnh.
Trái đất tươi đẹp nhờ có tầng ô-dôn bảo vệ
Các giải pháp này nhằm mục đích chuyển dịch thị trường sang hướng sử dụng công nghệ và thiết bị Lạnh và Điều hoà không khí thân thiện với khí hậu hơn và yêu cầu tăng cường hoạt động thu hồi, tái chế, tái sử dụng môi chất lạnh. Việc phát triển chuỗi lạnh bền vững có thể giúp giảm đáng kể thất thoát lương thực và thực phẩm, từ đó giảm phát thải khí nhà kính và các nguồn tài nguyên cần thiết. Điều này mang lại những lợi ích kinh tế to lớn cho người dân, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và đạt được cam kết phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam đến năm 2050.
Để đạt được các mục tiêu kể trên, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ cần tổ chức thực hiện trên phạm vi cả nước. Các bên phải xây dựng và thực hiện nhiều kế hoạch liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2030, giai đoạn sau năm 2030; trong đó đề ra các mục tiêu cụ thể cho các địa phương, tiểu ngành để góp phần vào mục tiêu chung quốc gia. Với lộ trình đó, đến năm 2050, Việt Nam bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng 0.